Xuất khẩu lao động ở nước ngoài đặc biệt là các nước như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc rất được ưa chuộng đối với lao động phổ thông ở Việt Nam vì không yêu cầu cao về trình độ hay học vấn nhưng lại có mức lương hấp dẫn. Tuy nhiên, người lao động khi đi làm việc tại nước ngoài, cần tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam về các ngành nghề mà họ không được phép làm khi sang nước ngoài lao động. Những công việc gì người Việt Nam không được làm khi đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng? Hãy cùng Công ty Luật TNHH Nhân Hoà tìm hiểu:
1. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là gì?
Khoản 1 Điều 3 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 “Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên cư trú tại Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Luật này”. Theo quy định trên thì người lao động là người Việt Nam làm việc ở nước ngoài phải là công dân Việt Nam, độ tuổi của người lao động phải đủ 18 tuổi trở lên.
2. Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
Theo quy định tại Điều 7 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
– Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo, cung cấp thông tin gian dối hoặc dùng thủ đoạn khác để lừa đảo người lao động; lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức xuất cảnh trái phép, mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật.
– Hỗ trợ người lao động hoặc trực tiếp làm thủ tục để người lao động đi làm việc ở nước ngoài khi chưa được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật này.
– Cưỡng ép, lôi kéo, dụ dỗ, lừa gạt người lao động Việt Nam ở lại nước ngoài.
– Phân biệt đối xử; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động; cưỡng bức lao động trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
– Hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng mà không có giấy phép; sử dụng giấy phép của doanh nghiệp khác hoặc cho người khác sử dụng giấy phép của doanh nghiệp để hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
– Giao nhiệm vụ hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho chi nhánh của doanh nghiệp không đúng quy định của Luật này.
– Lợi dụng hoạt động chuẩn bị nguồn lao động, tuyển chọn người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thu tiền của người lao động trái pháp luật.
– Thu tiền môi giới của người lao động.
– Thu tiền dịch vụ của người lao động không đúng quy định của Luật này.
– Áp dụng biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác ngoài ký quỹ và bảo lãnh quy định tại Luật này.
– Tự ý ở lại nước ngoài trái pháp luật sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng đào tạo nghề.
– Gây chậm trễ, phiền hà, cản trở, sách nhiễu người lao động hoặc doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân Việt Nam trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
– Cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho doanh nghiệp không đủ điều kiện theo quy định của Luật này.
– Sử dụng Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước không đúng quy định của pháp luật.
– Đi làm việc ở nước ngoài hoặc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ở khu vực sau đây:
• Khu vực đang có chiến sự hoặc đang có nguy cơ xảy ra chiến sự;
• Khu vực đang bị nhiễm xạ;
• Khu vực bị nhiễm độc;
• Khu vực đang có dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm.
3. Các công việc người Việt Nam không được làm khi đi lao động ở nước ngoài
Bên cạch đó, theo quy định tại khoản 11, 12 và 13 Điều 7 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 “Đi làm việc ở nước ngoài hoặc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng mà vi phạm đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của người lao động và cộng đồng hoặc không được nước tiếp nhận lao động cho phép”.
– Đi làm việc ở nước ngoài hoặc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đối với công việc sau đây:
• Công việc mát-xa tại nhà hàng, khách sạn hoặc trung tâm giải trí;
• Công việc phải tiếp xúc thường xuyên với chất nổ, chất độc hại trong luyện quặng kim loại màu (đồng, chì, thủy ngân, bạc, kẽm); tiếp xúc thường xuyên với măng-gan, đi-ô-xít thủy ngân;
• Công việc tiếp xúc với nguồn phóng xạ hở, khai thác quặng phóng xạ các loại;
• Công việc sản xuất, bao gói phải tiếp xúc thường xuyên với hóa chất axít ni-tơ-ríc, na-tơ-ri xun-phát, đi-xun-phua các-bon hoặc thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc diệt chuột, thuốc sát trùng, thuốc chống mối mọt có độc tính mạnh;
• Công việc săn bắt thú dữ, cá sấu, cá mập;
• Công việc thường xuyên ở nơi thiếu không khí, áp suất lớn (dưới lòng đất, lòng đại dương);
• Công việc liệm, mai táng tử thi, thiêu xác chết, bốc mồ mả.
Như vậy, người Việt Nam khi đi lao động tại nước ngoài, ngoài việc tuân thủ theo pháp luật của nước sở tại thì họ vẫn phải tuân thủ pháp luật Việt Nam về công việc mà người lao động làm tại nơi mà họ đến. Theo như quy định trên các ngành nghề mà pháp luật cấm người Việt Nam lao động ở nước ngoài là những ngành nghề liên quan đến tính mạng, sức khoẻ của người lao động.
Hãy liên hệ với Công ty Luật TNHH Nhân Hoà để được tư vấn và hỗ trợ các vấn pháp lý về đất đai, dân sự, lao động, hôn nhân gia đình. Các Luật sư của chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ pháp lý nhanh chóng nhằm đưa ra cho khách hàng những giải pháp pháp lý tối ưu.
Công ty Luật TNHH Nhân Hoà
Địa chỉ: Số 2, đường Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, Hồ Chí Minh
Chi nhánh: 28/12B đường 32, phường Linh Đông, TP. Thủ Đức, Hồ Chí Minh
Hotline 24/7: 0938 657 775 (Luật sư Thuỷ)
Email: tuvangolden@gmail.com
Website: www.goldenlaw.vn