Hiện nay, việc sử dụng ngân hàng số ngày càng trở nên phổ biến và rộng rãi, người dùng chỉ cần một chiếc điện thoại đã có thể chuyển tiền nhanh chóng và thuận lợi. Bởi tính tiện lợi này nên rất nhiều người đã chọn phương thức thanh toán online trong các giao dịch hàng ngày thay vì đi đến Ngân hàng để thực hiện giao dịch. Tuy nhiên bên cạnh tính tiện lợi, phương thức này cũng chứa nhiều rủi ro khi thực hiện. Quá trình thao tác chuyển tiền người dùng có thể sai một vài thông tin quan trọng làm cho số tiền được chuyển không đến đúng tay người nhận. Vậy việc chuyển tiền nhầm số tài khoản thì có đòi lại được tiền không? Hãy cùng Công ty Luật TNHH Nhân Hoà tìm hiểu.
1. Quy định về chiếm hữu tài sản
Theo quy định tại Điều 165 Bộ Luật dân sự 2015 về trường hợp chiếm hữu có căn cứ pháp luật, đối với các trường hợp chiếm hữu không có trong quy định của pháp luật điều được cho là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật:
– Chiếm hữu có căn cứ pháp luật là việc chiếm hữu tài sản trong trường hợp sau đây:
• Chủ sở hữu chiếm hữu tài sản;
• Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản;
• Người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật;
• Người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;
• Người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;
• Trường hợp khác do pháp luật quy định.
– Việc chiếm hữu tài sản không phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều này là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật.
Theo đó, quy định tại Điều 579 Bộ Luật dân sự 2015 nghĩa vụ hoàn trả đối với các trường hợp chiếm hữu không có căn cứ pháp luật
1. Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này.
2. Người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật làm cho người khác bị thiệt hại thì phải hoàn trả khoản lợi đó cho người bị thiệt hại, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này.
Như vậy, việc chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu hoặc chủ thể khác được chủ sở hữu uỷ quyền đối với tài sản đó. Trường hợp không xác định được chủ sở hữu tài sản thì người chiếm hữu phải giao trả tài sản cho cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp người chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật sử dụng tại sản đó vào mục đích riêng và gây ra thiệt hại cho người khác thì người chiếm hữu tài sản đó phải hoàn trả khoản lợi cho người bị thiệt hại. Đối với việc chuyển tiền nhầm số tài khoản thì người nhận tiền phải đến cơ quan chức năng đề trình báo vấn đề bị chuyển nhầm, người chuyển nhầm có thể yêu cầu đòi lại số tiền bị chuyển đi.
Trường hợp cố tình chiếm giữ trái phép hoặc sử dụng trái phép thì tùy mức độ vi phạm mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây ra thiệt hại thì còn phải thực hiện bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu hoặc chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó.
2. Quy định về xử lý hành vi vi phạm về chiếm hữu tài sản của người khác
Đối với hành vi chiếm hữu tài sản của người khác không có căn cứ pháp luật thì người cố tình chiếm hữu, không trả lại tài sản có thể bị xử lý như sau:
– Xử phạt vi phạm hành chính: Theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP 31/12/2021 vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác “Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác”;
– Truy cứu trách nhiệm hình sự: Theo quy định tại Điều 176 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 tội chiếm giữ trái phép tài sản
“Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.
Như vậy, để xác định lỗi vi phạm và mức xử phạt phải căn cứ vào giá trị tài sản mà người vi phạm muốn chiếm hữu. Người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giử từ 3 tháng đến 2 năm. Bên cạnh đó phạt tù từ 01 đến 05 năm đối với hành vi chiếm giữ tài sản trên 200.000.000 đồng.
3. Phương thức đòi lại tiền chuyển nhầm:
3.1. Trường hợp chuyển tiền nhầm cùng một ngân hàng:
– Bước 1: Người chuyển nhầm nên liên hệ ngay với ngân hàng và thông báo cho họ biết sự cố của mình về việc chuyển nhầm tiền bằng cách đến trực tiếp Chi nhánh Ngân hàng của mình để làm giấy đề nghị hỗ trợ xem xét, rà soát giao dịch chuyển nhầm theo quy định.
– Bước 2: Cung cấp thông tin giao dịch chuyển tiền nhầm cho Ngân hàng và giấy tờ cá nhân như: Căn cước công dân, thẻ ngân hàng, biên nhận chuyển tiền, thời gian chuyển tiền, số tài khoản và nội dung chuyển tiền để ngân hàng rà soát, kiểm tra lại giao dịch.
– Bước 3: Ngân hàng sẽ liên hệ với bên nhận nhầm tiền để giải quyết theo quy trình.
Có nhiều trường hợp không liên hệ được với người nhận chuyển nhầm hoặc tài khoản người nhận đã rút hết tiền vì mục đích nào đó thì người chuyển nhầm tiền nên liên hệ với Ngân hàng và chính quyền địa phương để nhờ hỗ trợ.
3.2 Trường hợp chuyển nhầm tiền khác Ngân hàng:
Ngân hàng bên chuyển nhầm sẽ liên lạc với ngân hàng bên chủ tài khoản nhận nhầm tiền để yêu cầu hỗ trợ với chủ tài khoản và thực hiện các bước như trên để giúp khách hàng nhận lại tiền.
3.3. Trong trường hợp liên hệ được với bên nhận chuyển nhầm nhưng thương lượng không thành thì chủ tài khoản chuyển nhầm có thể trình báo với cơ quan công an hoặc khởi kiện ra tòa án để yều cầu đòi lại tiền, tuy nhiên phương án này sẽ mất nhiều thời gian và chi phí.
Hãy liên hệ với Công ty Luật TNHH Nhân Hoà để được tư vấn và hỗ trợ các vấn pháp lý về đất đai, dân sự, lao động, hôn nhân gia đình. Các Luật sư của chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ pháp lý nhanh chóng nhằm đưa ra cho khách hàng những giải pháp pháp lý tối ưu.
Công ty Luật TNHH Nhân Hoà
Địa chỉ: Số 2, đường Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, Hồ Chí Minh
Chi nhánh: 28/12B đường 32, phường Linh Đông, TP. Thủ Đức, Hồ Chí Minh
Hotline 24/7: 0938 657 775 (Luật sư Thuỷ)
Email: tuvangolden@gmail.com
Website: www.goldenlaw.vn