Ly hôn theo pháp luật được chia làm hai trường hợp là ly hôn theo sự đồng thuận của hai bên (gọi là thuận tình ly hôn) và ly hôn theo yêu cầu của một bên (gọi là ly hôn đơn phương). Ly hôn dù theo hình thức nào thì đều phải trải qua quá trình hòa giải tại tòa, nếu hòa giải không thành thì Tòa sẽ xem xét giải quyết ly hôn. Toà án xem xét yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì Toà án quyết định cho ly hôn.
Thuận tình ly hôn: Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.
Ly hôn theo yêu cầu của một bên: Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Khi chấm dứt quan hệ hôn nhân, Tòa án phải giải quyết được vấn đề phân chia tài sản chung của hai vợ chồng và quyền nuôi con.
Khi giải quyết các vấn đề sau ly hôn, nguyên tắc thỏa thuận của các bên vợ chồng được ưu tiên hàng đầu, vì thế những đứa con sẽ được giao cho một bên cha hoặc mẹ trông nom, nuôi dưỡng trên cơ sở tự thỏa thuận của cha mẹ. Tuy nhiên, nếu các bên không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định dựa trên cơ sở đảm bảo quyền lợi tốt nhất về mọi mặt của người con. Theo quy định tại khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, về nguyên tắc con dưới 36 tháng tuổi được ưu tiên giao cho người mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thỏa thuận khác và người bố hoàn toàn có quyền được thăm nom trong thời gian này. Và nếu trong trường hợp người vợ hoặc chồng từ chối nuôi con mà người còn lại có điều kiện đủ và tốt hơn để nuôi dưỡng con thì hai bên hoàn toàn có thể thỏa thuận người trực tiếp nuôi con. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân Gia đình, khi con từ đủ 07 tuổi trở lên thì Tòa án sẽ xem xét đến nguyện vọng của con, lưu ý rằng nguyện vọng này chỉ là một ý kiến để Tòa án tham khảo khi đưa ra quyết định cuối cùng chứ không buộc Tòa án phải tuân thủ theo ý kiến đó.
Nguyên tắc phân chia tài sản khi ly hôn: theo quy định của pháp luật Hôn nhân Gia đình thì tài sản riêng của bên nào thuộc sở hữu riêng của bên đó, tức cần xác định phần tài sản trước hôn nhân và trong thời kỳ hôn nhân. Đối với phần tài sản riêng của mỗi bên mà trước khi kết hôn chưa góp vào tài sản chung thì vẫn thuộc quyền sở hữu của mỗi bên nếu như chứng minh được phần tài sản đó thuộc sở hữu riêng của mình. Còn về tài sản chung hình thành trong thời kỳ hôn nhân thì theo nguyên tắc sẽ được chia đôi. Tuy nhiên, căn cứ vào hoàn cảnh mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì và phát triển tài sản thì phần tài sản chung đó có thể sẽ được chia lại theo một tỷ lệ phù hợp.
Thông thường, trong nhiều gia đình, người chồng vẫn là lao động chính, là người tạo ra thu nhập nuôi sống cả gia đình còn người vợ chỉ làm công việc nội trợ. Chính vì vậy trong nhiều vụ ly hôn, người chồng thường dựa vào lý do đó cho rằng tất cả tài sản, của cải trong gia đình là họ làm ra và phải thuộc về họ, người vợ không hề có phần. Tuy nhiên, pháp luật về Hôn nhân và gia đình đã nêu rõ: lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập. Vì thế, người vợ hoàn toàn có quyền căn cứ vào quy định trên để xác lập phần quyền của mình đối với tài sản trong hôn nhân.Về nguyên tắc, tài sản sẽ được chia đôi. Tuy nhiên, có những tài sản là hiện vật mà việc chia đôi sẽ làm mất đi giá trị của tài sản. Đối với trường hợp đó thì bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần giá trị chênh lệch.
Hiểu biết các quy định pháp luật sẽ giúp chúng ta bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi cần thiết. Tuy nhiên, Công ty Luật TNHH Golden mong muốn gửi đến Quý khách hàng một thông điệp cho mọi người rằng: hãy cố gắng gìn giữ tình cảm gia đình, cùng chung vai xây dựng một tổ ấm, san sẻ những khó khăn, giải quyết những bất đồng dựa trên tinh thành xây dựng, góp ý cho nhau cùng hoàn thiện.