Trong vụ án Alibaba người bị hại có thể được đền bù thiệt hại bằng đất không?

Vụ án Công ty Alibaba lừa đảo chiếm đoạt tài sản là vụ án phức tạp, tỷ lệ đòi lại tiền hoặc đất sẽ mất khá nhiều thời gian để giải quyết, thế nhưng một số bị hại vẫn khăng khăng chỉ muốn nhận lại đất mà không muốn nhận tiền. Trong thời gian trả lời HĐXX, một số bị hại là khách hàng mua đất của Alibaba bày tỏ muốn lấy lại lô đất mà mình đã mua, không có nhu cầu nhận tiền. Vậy việc nhận đất đúng với quy định của pháp luật không? Hãy cùng Công ty TNHH Luật Nhân Hoà tìm hiểu:

1. Xác định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Để xác định tội phạm và khung hình phạt đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì căn cứ vào Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp”.
Như vậy, chủ tịch Công ty Alibaba được nhận định chiếm đoạt tài sản giá trị từ hơn 2000 tỷ thì thuộc khung hình phạt cao nhất từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân.
2. Căn cứ phát sinh nghĩa vụ bồi thường
2.1 Căn cứ phát sinh nghĩa vụ bồi thường
Căn cứ vào khoản 1 Điều 584 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại“Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.
Người có hành vi xâm phạm đến tài sản của người khác và Tòa án có bản án về hành vi vi phạm thì bên vi phạm có nghĩa vụ bồi thường tài sản thiệt hại cho bị hại.

Hành vi gây thiệt hại đến chủ thể được xác định theo Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 nguyên tắc bồi thường thiệt hại
– Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
– Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
– Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
– Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
– Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
Theo quy định tại khoản 1 và điểm g khoản 2 Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 bị hại có quyền yêu cầu mức bồi thường đối với những thiệt hại mà bị cáo gây ra “Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra. Đề nghị hình phạt, mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường;” Bên cạnh đó tại khoản 1 và điểm g khoản 2 Điều 63 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 nguyên đơn dân sự có quyền yêu cầu bồi thường đối với tài sản của mình “Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Đề nghị mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường”;
Như vậy, bị hại có cơ sở đề nghị mức bồi thường mà bên gây thiệt hại gây ra cho mình,việc bồi thường phải đảm bảo quyền lợi đối với các bị hại. Do đó, các bị hại trong vụ án hình sự vẫn được quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại mà bị cáo đã gây ra.

2.2 Xác định giao dịch bị vô hiệu
Đối với các giao dịch bị vô hiệu được quy định tại Điều 127 Bộ luật dân sự 2015 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép. Người có hành vi “Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó”.
Như vậy, hệ quả của các giao dịch lừa dối là chủ thể bị hại chỉ có thể nhận lại được khoản tiền mà bên bị cáo lừa đảo thông qua các giao dịch. Cho nên, giao dịch giữa bị cáo và bị hại bị vô hiệu, hệ quả của giao dịch vô hiệu là trả lại cho nhau những gì đã nhận theo khoản 2 Điều 131 Bộ luật dân sự 2015 “Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả”.
Như đã phân tích ở trên, trong vụ án Alibaba cơ quan điều tra đã kê biên nhiều thửa đất, xe cộ và tiền mặt của các bị cáo và các pháp nhân có liên quan. Do đó, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật và các bị hại có yêu cầu thi hành án thì cơ quan thi hành án sẽ thực hiện việc trả tiền cho các bị hại. Đối với những bị hại không có yêu cầu thì Tòa án sẽ không xem xét. Riêng với những bị hại chỉ yêu cầu trả đất chứ không nhận tiền thì rất khó khả thi vì Tòa không thể tự tách thửa đất để giao cho bị hại.

Đọc thêm: Bài viết về khi nào phân nền bán lô

Hãy liên hệ với Công ty Luật TNHH Nhân Hoà để được tư vấn và hỗ trợ các vấn pháp lý về đất đai, dân sự, lao động, hôn nhân gia đình. Các Luật sư của chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ pháp lý nhanh chóng nhằm đưa ra cho khách hàng những giải pháp pháp lý tối ưu.

Công ty Luật TNHH Nhân Hoà
Địa chỉ: Số 2, đường Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, Hồ Chí Minh
Chi nhánh: 28/12B đường 32, phường Linh Đông, TP. Thủ Đức, Hồ Chí Minh
Hotline 24/7: 0938 657 775 (Luật sư Thuỷ)
Email: tuvangolden@gmail.com
Website: www.goldenlaw.vn

Xem thêm:
zalo-icon
facebook-icon
phone-icon