Có thông tin cho rằng 3 người con gái trong vụ tẩm xăng đốt nhà mẹ đẻ ở Hưng Yên có thể bị truất quyền thừa kế. Vậy luật quy định như thế nào về truất quyền thừa kế?
- Quyền thừa kế
Theo quy định tại Điều 609 Bộ luật dân sự 2015 về quyền thừa kế
Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.
Theo Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”. Tuy nhiên, việc lập di chúc cũng phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật về thừa kế.
Trường hợp người chết không để lại di chúc thì di sản của họ sẽ được chia theo pháp luật.
- Người thừa kế
Theo quy định tại Điều 613 Bộ luật dân sự 2015 về người thừa kế
Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Người được nhận thừa kế có thể là cá nhân hoặc là tổ chức. Đối với cá nhân thì họ phải còn sống tại thời điểm mở thừa kế hoặc trẻ em đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Điều này nhằm xác định quan hệ huyết thống của người chết và đứa trẻ thai nhi.
Đối với tổ chức thì tổ chức hưởng thừa kế vẫn còn tồn tại, tại thời điểm mở thừa kế.
- Truất quyền thừa kế
Theo quy định tại Điều 626 Bộ luật dân sự 2015 quyền của người lập di chúc
Người lập di chúc có quyền sau đây:
- Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.
- Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.
- Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.
- Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.
- Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.
Như vậy, thì truất quyền thừa kế là quyền của người để lại di chúc. Có thể hiểu, truất quyền thừa kế là việc người lập di chúc không muốn để lại di sản thừa kế của mình cho một người nào đó và ý chí này được ghi trong di chúc. Do vậy, ba người con gái trong vụ án đốt nhà mẹ đẻ chỉ bị truất quyền thừa kế khi người mẹ truất quyền thừa kế của họ. Tuy nhiên ba người con gái có khả năng không có quyền được hưởng thừa kế từ mẹ đẻ về các hành vi vi phạm pháp luật của mình.
- Người không được quyền hưởng di sản
Căn cứ vào Điều 621 Bộ luật dân sự 2015 quy định về các trường hợp không được nhận thừa kế như sau:
– Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:
- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
- Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
- Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
– Những người quy định tại khoản 1 Điều này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.
Trong vụ án ba người con gái tẩm xăng đốt nhà mẹ đẻ, ba người con gái đã vi phạm pháp luật về hình sự và có thế bị kết án. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 621 Bộ luật dân sự 2015 thì “Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó”; Trong trường hợp 3 người con gái bị Tòa án kết án về hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người để lại thừa kế, cụ thể là mẹ họ thì họ sẽ không được quyền thừa kế.
Như vậy, theo quy định của pháp luật về thừa kế 03 người con không được quyền thừa kế nếu họ bị Tòa án kết án về hành vi xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của người để lại thừa kế.
Tuy nhiên, trong trường hợp người mẹ biết những hành vi của 03 người con gái gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của mình nhưng vẫn muốn để lại di sản thừa kế cho con thì căn cứ vào khoản 2 Điều 621 Bộ luật dân sự 2015 người con vẫn được thừa hưởng di sản từ mẹ.
Hãy liên hệ với GoldenLaw để được tư vấn và hỗ trợ các vấn pháp lý về đất đai, dân sự, lao động, hôn nhân gia đình. Các Luật sư của chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ pháp lý nhanh chóng nhằm đưa ra cho khách hàng những giải pháp pháp lý tối ưu.
Hotline 24/7: 0938 657 775 (Zalo)
Email: tuvangolden@gmail.com
Website: www.goldenlaw.vn
Địa chỉ: 28/12B đường 32, phường Linh Đông, thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh